image banner
GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ PHƯỜNG SỞ DẦU

A. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Đặc điểm về truyền thống văn hóa lịch sử hình thành và phát triển của phường Sở Dầu.

Sở Dầu là một trong 9 phường thuộc quận Hồng Bàng. Tính đến tháng 01 năm 2022 quận Hồng Bàng đã trải qua hơn 41 năm xây dựng và phát triển. Địa bàn phường có nhiều công sở, khách sạn, công trình tiêu biểu như các công trình Trụ sở Quận ủy, UBND, HĐND quận Hồng Bàng và nhiều Sở, Ngành của thành phố, trụ sở Bảo Hiểm Thành phố. Nhiều khách sạn lớn hiện đại như khách sạn Tân An, khách sạn Hoàng Thành đạt các tiêu chuẩn cao về chất lượng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế .  Trên địa bàn phường có Siêu thị HC, METRO, Chợ Đầu mối Hoa quả. Phường Sở Dầu đã vinh dự được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang

B. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thuỷ văn, địa chất:

Theo địa giới hành chính, phường Sở Dầu có diện tích tự nhiên là 330,01 ha. Phía Bắc tiếp giáp với huyện Thuỷ Nguyên. Phía  Nam tiếp giáp huyện An Dương, và phường Hùng Vương . Phía Đông tiếp giáp với phường Hùng Vương . Phía Tây tiếp giáp với phường Thượng Lý.

Đất đai chủ yếu do phù sa sông biển bồi đắp hình thành. Do sự bồi đắp không đều nên địa hình có nơi cao thấp xen kẽ nhau.

Khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa,mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, mùa đông lạnh ít mưa và chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển với khí hậu vùng đồi núi Đông Bắc Bộ.

Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình trong năm là 23,60C. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất (tháng 1) là 16,80C. Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất (tháng 7) là 29,40C. Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối là 6,50C. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 39,50C.

Mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.494,7 mm. Số ngày mưa trong năm: 117 ngày. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, tháng mưa lớn nhất là tháng 8 với lượng mưa 352 mm. Lượng mưa một ngày lớn nhất quan trắc được ngày 20/11/1996: 434,700 mm

Độ ẩm: Độ ẩm có trị số cao và ít thay đổi trong năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 1 độ ẩm là 80%. Mùa mưa ẩm từ tháng 3 đến tháng 9 độ ẩm lên tới 91%. Độ ẩm trung bình trong năm là 83%.

Gió: Hướng gió thay đổi trong năm. Từ tháng 11 đến tháng 3 hướng gió thịnh hành là gió Bắc và Đông Bắc. Từ tháng 4 đến tháng 10 hướng gió thịnh hành là gió Nam và Đông Nam. Từ tháng 7 đến tháng 9 thường có bão cấp 7 đến cấp 10, đột xuất có bão cấp 12 và trên cấp 12 Tốc độ gió lớn nhất quan trắc được là 40m/s.

Thủy văn: Địa bàn phường chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thuỷ văn biển, đặc trưng là chế độ thuỷ triều. Tính chất của thuỷ triều là nhật triều thống nhất với hầu hết số ngày trong tháng. Trong một ngày thuỷ triều cũng thay đổi từng giờ theo chu kỳ với biên độ dao động 2,5m- 3,5m.

Trên địa bàn phường có Sông Rế và Sông Cấm. Hướng chảy chủ yếu là Tây Bắc - Đông Năm. Sông Cấm là đoạn cuối cùng của sông Kinh Thầy, một nhánh chính của hệ thống sông Thái Bình. Chiều rộng khoảng 500m - 600m.  Lưu lượng nước chảy ra biển lớn nhất là 1860m3/s, nhỏ nhất là 178 m3/s. Lưu lượng nước chảy từ biển vào do nước triều lên lớn nhất là 1140 m3/s, nhỏ nhất là 7m3/s. Bình quân hàng năm Sông Cấm đổ ra biển 10 - 15 triệu km3 nước và trên dưới 2 triệu tấn phù sa. Mực nước sông cao nhất vào mùa mưa là + 3m đến + 4m và thấp nhất vào mùa khô là + 0,2m - + 0,3m.

Về địa chất của phường được hình thành từ nguồn sa bồi, có địa chất bởi tính đệ tứ gồm lớp sét, á sét, á cát, cát, bùn. Nhìn chung địa hình đất đai của phường có cốt nền xây dựng thấp( cao độ bình quân khoảng +2,6 mét), địa chất công trình yếu. Theo kết quả khoan địa chất dọc khu vực, xác định địa chất tương đối đồng nhất. Lớp trên từ 1m - 2m là lớp sét dẻo mềm, dưới là các lớp á sét bão hoà dẻo mềm đến dẻo chảy, có chỗ là bùn, lớp dưới là đất chủ yếu. Nguyên nhân nền đất phường chủ yếu vì được hình thành chủ yếu do sa bồi.

Theo các tài liệu khảo sát địa chất hiện có, quỹ đất của phường Sở Dầu, ngoài diện tích bề mặt đang khai thác sử dụng theo mục đích đất phi nông nghiêp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng còn một phần diện tích nhỏ. Trong lòng đất  phường Sở Dầu chưa phát hiện có nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản có giá trị kinh tế nào khác.

Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên của phường:

Phường Sở Dầu có vị trí cửa ngõ của quận Hồng Bàng và tiếp giáp trực tiếp với  sông Cấm. Đây là vị trí quan trọng về chính trị, hành chính, kinh tế, an ninh quốc phòng và văn hoá - xã hội đối với Quận Hồng Bàng. Vị trí địa lý đặc thù của phường đã tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, viễn thông CNTT. Phát triển các ngành công nghiệp, có công nghệ kỹ thuật cao như công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển, luyện, cán thép, sản xuất cáp ngầm điện cao thế, hoá chất… Đồng thời phát triển hệ thống cảng sông thuận tiện cho việc giao lưu vận tải bằng đường sông, đường biển tới các vùng trong cả nước và quốc tế. 

Địa bàn phường có đoạn quốc lộ số 5 cũ đi qua, tương lai sẽ là trục phố chính đi vào trung tâm Thành phố, nối liền các khu công nghiệp trên địa bàn quận và khu vực huyện Thuỷ Nguyên đi vào khu vực trung tâm đô thị Hải Phòng, tạo thuận lợi để quy hoạch phát triển các khu dân cư đô thị mới đồng bộ hiện đại và khu dịch vụ theo các trục quốc lộ chính ra, vào thành phố.

            Về di tích lịch sử trên địa bàn phường: 

1. Sơ lược lịch sử Đình Chùa An Lạc

Đình Chùa An Lạc là một công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo cho nhân dân làng An Lạc, tổng An Lạc, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) xây dựng. Chùa An Lạc là nơi thờ Phật. Đình An Lạc là nơi tôn thờ cụ Nguyễn Quý là Thành Hoàng có công xây dựng lập ấp dựng lên khu An Chân, phối thờ 2 cụ Trình Vinh và Nguyễn Túc, cả 2 vị đều là danh tướng thời Trần, có công giúp Trần Hưng Đạo phò vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng lịch sử năm 1288. Hiện còn sắc phong lưu giữ tại Viện Hán Nôm (Mã số 3505). An Lạc vốn là một làng cổ của huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa, tên cũ gọi là An Chân. Làng An Chân được đổi tên thành An Lạc vào khoảng năm 1925, 1926. Hiện nay Đình Chùa An Lạc là một quần thể kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong một khu vực thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. 5 gian Đình cấp 4 quay hướng Nam. Chùa được xây dựng về hướng Tây, trên khuôn viên đất rộng là một công trình kiến trúc đồ sộ.

Tương truyền Đình Chùa An Lạc được xây dựng từ thời nhà Trần (1226 - 1400). Xưa kia Đình Chùa An Lạc được xây dựng trên cùng một khuôn viên. Đình Chùa bố cục theo lối: Tiền Thánh hậu Phật. Đình Chùa là một cảnh đẹp ở huyện An Dương cũ. Cuối thế kỷ XIX do người Pháp lấn chiếm đất đai làm Sở Dỗu, Đình Chùa An Lạc được trùng tu xây dựng lại vào khoảng từ năm 1885 - 1895.

Khu Đình Chùa An Lạc đã bị bom đạn giặc Mỹ huỷ diệt trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc từ năm 1964 đến năm 1975. Bước vào thời kỳ đất nước thông nhất, kinh tế xã hội phát triển đổi mới và mở cử, thể theo nguyện vọng của Đảng, chính quyền và nhân dân phường Sở Dỗu, Uỷ ban nhân dân thành phố có Quyết định số 290/QĐ-UB ngày 30/4/1994, cho phép xây dựng lại chùa An Lạc trên khuôn viên Đình Chùa An Lạc cũ.

Đình Chùa An Lạc hiện nay được xây dựng trên khuôn viên diện tích 2598m2. Từ ngoài vào Đình Chùa là cổng cổng Tam quan kiêm gác chuông sừng sững, mái đao tầng lớp như những kiến trúc tam quan khác của các Đình Chùa cổ truyền cũ của Việt Nam. Sau Tam quan là môt sân rộng lát gạch chỉ nghiêng  phẳng phiu. Khoảng sân Đình Chùa phía trước là bồn hoa bể cảnh, chính giữa dựng tượng Quan Thế âm đứng bằng xi măng trắng. Bên tráI sân Đình Chùa là 3 gian thờ mẫu và tăng phòng. Kiến trúc chính của Chùa An Lạc là toà điện Phật bố cục theo kiểu chữ Đinh (J), đơn giản gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Toà tiền đường xây dựng theo kiểu chồng dầm 2 tầng 8 mái. Mái lợp ngói vảy rồng rêu phòng cổ kính, phần chồng diềm lắp kính để đón ánh sáng trời. Khu Đình Chùa An Lạc không chỉ là công trình kiến trúc đẹp, cây cối xum xuê mà còn là một trong những cơ sở cách mạng trung kiên của Đảng ta trong thời kỳ hoạt động bí mật và kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây. Nơi đây đã từng là địa điểm liên lạc, cơ sở chỉ đạo đấu tranh của công nhân Sở Dầu, công nhân nhà máy xi măng, xưởng carông Hải Phòng, v.v. Năm 1927 - 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh Bí thư đầu tiên của Thành Uỷ Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Công Hoà - Cán bộ Thành uỷ thời kỳ 1936-1939 đã chọn Đình Chùa An Lạc làm cơ sở hoạt động, chỉ đạo cách mạng Hải Phòng. Trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945 Đình Chùa An Lạc là địa điểm tập hợp lực lượng cách mạng của nhân dân chuẩn bị giành chính quyền ở huyện lỵ An Dương. Trong kháng chiến là nơi tập hợp, đóng quân  của tự vệ khu 1 chuẩn bị tập kích Sở Dầu, ga Thượng Lý. Ngày 03/12/1999 UBND thành phố Hải Phòng có Quyết định số 2193 Xếp hạng đăng ký di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Đình Chùa An Lạc là một địa chỉ đỏ của Đảng bộ và nhân dân phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng cần được quan tâm bảo vệ.

 Địa chỉ: 898 đại lộ Tôn Đức Thắng, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.

2. Sơ lược về di tích lịch sử Tháp sở Dầu:

Công trình “Tháp Sở Dầu” do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, là lô cốt bê tông hiện còn trong khuôn viên Tổng kho xăng dầu, với chiều cao hơn 10m, rộng hơn 325m2. Đây là đài quan sát chỉ huy góp phần cùng cán bộ, công nhân viên Công ty và quân dân thành phố đập tan 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là một chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ của cán bộ công nhân viên, lực lượng tự vệ Công ty xăng dầu khu vực III nói riêng, là chứng nhân lịch sử trong những năm tháng hào hùng chống Mỹ cứu nước của phường Sở Dầu nói chung.

Địa chỉ: Tổng kho Xăng Dầu Thượng Lý, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.

 

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0